3 lựa chọn tai nghe tuyệt vời mà audiophile Việt bỏ lỡ

Ngay cả những đôi tai “sành sỏi” của mảnh đất hình chữ S cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

Nếu đã từng tham gia vào các diễn đàn, cộng đồng âm thanh tại Việt Nam thì bạn chắc chắn sẽ đồng ý với quan điểm rằng audiophile Việt có đôi tai rất “sành”. Nói như vậy có nghĩa rằng những chiếc tai nghe được người Việt ưa chuộng cũng thường là những lựa chọn tuyệt vời được các fan âm thanh quốc tế ưa thích nhất, và những chiếc tai nghe được cộng đồng audiophile Việt coi là “huyền thoại” thì chắc chắn sẽ chinh phục được bất kỳ một đôi tai khó tính nào. Khi bước chân vào thế giới tai nghe rộng lớn và choáng ngợp, bạn có thể yên tâm lựa chọn những chiếc tai nghe đã được người yêu nhạc trong nước ưa chuộng trong nhiều năm, ví dụ như Grado SR325is, Sennheiser HD650 hay Audio Technica ATH-M50X.

Tuy vậy, thế giới tai nghe tại Việt Nam vẫn để sót một vài chiếc tai nghe chất lượng rất đáng khâm phục. Trong bài viết này, VnReview sẽ cùng bạn điểm qua 3 chiếc tai nghe rất ít khi xuất hiện tại Việt Nam nhưng cũng chắc chắn sẽ chinh phục được khán giả Việt.

1. Grado PS500/PS500e

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

Nhắc tới Grado là nhắc tới những chiếc tai nghe có âm thanh vừa mạnh mẽ nhưng lại vừa thân mật nhờ có dải mid (dải trung) ấm áp cùng dải “tép” giàu sức sống. Điển hình nhất cho âm thanh này là những chiếc SR60, SR325is hay chiếc RS1i luôn được coi là con bài chủ lực của Grado.

Nhưng đáng tiếc là 2 chiếc tai nghe cao cấp nhất của Grado là GS1000e và PS1000e lại không được lòng đông đảo người hâm mộ Việt Nam. Lý do không phải là bởi chúng có chất âm dở mà là bởi các dòng GS1000 và PS1000 có giá quá đắt, trong đó chiếc PS1000e có giá lên tới hơn… 42 triệu đồng. Với mức giá này, 2 sản phẩm cao cấp nhất của Grado không được người hâm mộ Việt Nam đánh giá cao như các lựa chọn siêu cấp đến từ Audeze, STAX hay Sennheiser.

Thật may mắn, PS500 (và phiên bản mới hơn là PS500e) có thể mang lại cho bạn trải nghiệm rất giống với PS1000e nhưng ở mức giá dễ chịu hơn rất nhiều: 15,2 triệu đồng, theo giá chính hãng từ grado.vn.

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

Khác với chất âm đặc trưng của Grado do SR325e và RS1i đại diện, Grado PS500 và PS500e có điểm nhấn riêng vào bass. Có thể khẳng định rằng PS500 là chiếc tai nghe giàu bass nhất của Grado với âm bass dày hơn, có lực hơn những chiếc Grado khác. Dải mid trên PS500/PS500e vẫn khá mượt mà, nhưng dải treb có phần bớt sáng so với mức trung bình của Grado. Với các fan ưa thích chất âm của Grado nhưng đôi khi mệt mỏi vì dải treb quá “bạo lực”, PS500e sẽ là một lựa chọn dễ chịu hơn nhiều so với SR225is hay SR325i.

Tương tự như PS1000, PS500 có phần thân kết hợp từ gỗ và kim loại, giúp đảm bảo tính thẩm mỹ trong khi vẫn giữ được cân nặng rất hợp lý cho sản phẩm. Điểm đặc biệt nhất của PS500e là khả năng tương thích với dòng pad G Cushs – dòng pad rộng và dễ chịu nhất của Grado. Với G Cushs, dải mid cùng dải treb của PS500 sẽ được đẩy lên phía trước, cùng lúc âm trường cũng được mở rộng đáng kể. Sở hữu 2 cặp pad L đi kèm tai nghe và G sẽ giúp bạn gần như sở hữu 2 chiếc tai nghe khác biệt nhau cùng lúc. Trong toàn bộ các dòng tai nghe Grado từ RS1 trở xuống, chỉ duy nhất PS500e là có điểm mạnh này khi không mod.

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

PS500 đọ sắc cùng đàn anh PS1000 (trái).

Phiên bản PS500 gốc có chất âm mượt mà và tình cảm hơn, trong khi phiên bản mới PS500e lại trung hòa và “sắc” hơn một chút. Chất âm của dòng PS500 không chỉ học theo đàn anh PS1000 mà cũng rất giống 2 chiếc tai nghe đặc biệt của Grado là HF2 (được sản xuất giới hạn 550 chiếc cho cộng đồng Head-Fi) và GH1 (được sản xuất từ một cây gỗ đặc biệt tại thành phố New York, quê nhà của Grado). Cũng bởi vậy mà mức giá hơi cao (15,2 triệu đồng) của Grado PS500e vẫn là rất hợp lý với các fan của Grado: bạn sẽ được sở hữu một bản sao dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn rất tuyệt vời của PS1000e ở mức giá chỉ bằng 1/3 bản gốc.

2. AKG K601/K612 PRO

Giới sành tai nghe tại Việt Nam đã quá quen với AKG thông qua bộ 3 đầu bảng K701/K702/Q701, chiếc tai nghe phòng thu K240 hay những chiếc sản phẩm giá thấp chất lượng cao như K420 hoặc K550. Điều đáng tiếc là một lựa chọn khác không kém phần hấp dẫn là K601/K612 PRO lại không thu hút được nhiều tín đồ Việt như những lựa chọn “kinh điển” khác của AKG.

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

AKG K612 PRO

Sở dĩ chúng tôi gộp 2 sản phẩm này lại làm 1 là bởi K601 và K612 có chất âm giống hệt nhau, nhưng K612 thì có ngoại hình được tân trang đẹp mắt và thời thượng hơn rất nhiều so với chiếc K601 màu xám… “xấu xấu bẩn bẩn”. Ở mức điện trở 120 ohm, K601 và K612 buộc bạn phải trang bị bộ tăng âm riêng. Dù vậy nhưng xét về mức độ dễ kéo thì K601/K612 dễ chịu hơn rất nhiều so với K701/K702/Q701, bởi độ nhạy của K601 và K612 đạt mức 101 dB/V chứ không thấp như bộ 3 đầu bảng của AKG.

Nói về chất âm thì K601 và K612 thực sự đặc biệt ở chỗ chúng dù vẫn trung hòa nhưng vẫn đủ nhạc tính để thưởng thức. 2 chiếc tai nghe này gần như đạt được sự cân bằng trên tất cả các khía cạnh: dải bass không thiếu đến mức thiếu lực nhưng cũng không nhiều đến mức gây mệt mỏi, dải mid không quá màu nhưng cũng không quá khô như đàn anh K701, dải treb tuy “sáng nhưng không chói lóa”. Âm trường rộng rãi cũng là một điểm mạnh của K601/K612 để giúp tạo ra một trải nghiệm âm thanh rất hợp lý ở mức giá chưa tới 4 triệu đồng (bao gồm cả phí dịch vụ ship và giá gốc tại Amazon.com vào khoảng 140 USD/3,2 triệu đồng).

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

AKG K601.

Điểm cộng cuối cùng của K601 và K612 là thiết kế chùm đầu với hai bên tai rất rộng rãi giúp tạo ra trải nghiệm sử dụng thoải mái nhất có thể. Dĩ nhiên, 2 chiếc tai nghe này cũng không phải là hoàn hảo: do có thiết kế dạng mở nên K601 và K612 không cách âm tốt và cũng sẽ để lọt âm từ tai nghe ra ngoài. Ngoài ra, như đã nói ở trên, K601 và K612 đòi hỏi bạn phải trang bị amp. Bù lại thì ngay cả những chiếc amp di động giá rẻ như iBasso D-Zero (2,6 triệu đồng, giá tham khảo tại tainghe.com.vn) hay HW-DAC1 (1,4 triệu đồng, giá tham khảo tại Headworld) cũng đã là quá đủ để “kéo” K601 và K612 lên mức âm lượng thừa đủ.

3. Audio Technica ATH-MSR7

Thị trường Việt Nam có thể coi là “sân nhà” của Audio Technica với những chiếc tai nghe xứng tầm “huyền thoại” như ATH-M50X, ATH-AD900 hay ATH-AD2000. Khác với các sản phẩm còn lại được chúng tôi giới thiệu trong bài viết này, lý do khiến cho ATH-MSR7 chưa được fan hâm mộ Việt biết tới nhiều là bởi Audio Technica mới chỉ ra mắt mẫu tai nghe này trong tháng 12 năm ngoái.

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

Có thể nói rằng ATH-M50X và ATH-MSR7 khá tương phản. Nếu như M50X trở thành huyền thoại nhờ chất âm V-shaped (nhấn dải cao và dải bass, dải trung hơi “lùi”) thì MSR7 lại tập trung vào dải trung – dải âm tương đương với giọng hát và các nhạc cụ giàu sức biểu cảm như saxophone, cello hay đàn bầu.

Với dải bass “gọn gàng” cùng dải treb chi tiết, MSR7 sẽ cho chất âm hơi gắt nếu như kết hợp cùng các loại nguồn phát thiên sáng như O2+ODAC hoặc iPod Classic. Ngược lại, chiếc tai nghe của Audio Technica sẽ mang đến một trải nghiệm thực sự ấm áp, tình cảm (nhưng không “tối”) khi được kết hợp cùng các loại amp/dac giàu nhạc tính như amp đèn hoặc các dòng máy nghe nhạc Astell&Kern. Với amp đèn, âm nhạc từ MSR7 sẽ trở nên ngọt ngào, dày dặn hơn, cùng lúc giữ lại cảm giác chi tiết do dải treb mang tới.

Với điện trở chỉ 35 ohm, MSR7 không đòi hỏi bạn phải trang bị thêm amp rời. Thiết kế dạng đóng cũng giúp chiếc tai nghe này cách âm tốt, phù hợp với môi trường văn phòng và ngoài trời.

Ngay cả những đôi tai "sành sỏi" của mảnh đất hình chữ S: cũng vẫn bỏ lỡ mất một vài chiếc tai nghe rất đáng giá đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

Từ trái qua phải: ATH-M50X, ATH-MSR7 và ATH-M70X.

Cũng giống như người anh em M50X, ATH-MSR7 được trang bị túi đựng cùng 3 chiếc dây nối cho các mục đích sử dụng riêng biệt. Trong khi thiết kế của M50X vẫn thừa hưởng nét cá tính khá “kỳ quặc” từ người anh ATH-M50, thiết kế của MSR7 lại đi theo hướng trau chuốt, tinh tế hơn. Bạn có thể lựa chọn MSR7 màu đen hoặc xám ở mức giá 6,5 triệu đồng hoặc bản đặc biệt màu đỏ (MSR7LTD) ở mức giá 6,9 triệu đồng